Tư vấn hướng nghiệp: Làm sao để chọn nghề phù hợp?

Tư vấn hướng nghiệp: Làm sao để chọn nghề phù hợp?

1. Thắc mắc bạn đọc

Dù đã đăng ký dự thi hoặc sắp tới được trúng tuyển vào trường này, điều đó chưa đủ để xác quyết rằng bạn đã phù hợp với ngành nghề định chọn. Khi ấy, các yếu tố “phù hợp hay không phù hợp với ngành nghề” vẫn là những vấn đề cần phải tiếp tục được đặt ra. Bởi vì, những yếu tố này vẫn liên tục tác động, khiến bạn phải thường xuyên tự rà soát và điều chỉnh lại mình để vững bước trên con đường hướng nghiệp.

Trong “Ngày Hội nghề nghiệp” do công ty Unilever Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Bến Thành với đối tượng mời là sinh viên năm cuối của các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà tuyển dụng và phía sinh viên đã trao đổi cởi mở về nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề phù hợp hoặc không phù hợp khi học nghề và hành nghề đã chọn.

Một sinh viên đã mạnh dạn nêu băn khoăn: “Bạn tôi trúng tuyển cùng lúc vào ba trường Đại học (với vị trí thủ khoa ở hai trường). Bạn đó đã chọn học ở trường có danh tiếng nhất (để thêm “oai”), nhưng sau gần bốn năm theo học, bạn ấy thốt lên một sự thật của lòng mình: Cốt học để lấy bằng đại học, rồi làm nghề khác chứ không theo nghề đã được đào tạo (!). Vậy xin hỏi: học một đàng, làm một nẻo thì có được coi là phù hợp không? Nhà tuyển dụng có khi nào tuyển sinh viên tốt nghiệp trái ngành nghề không?”.

2. Chuyên gia giải đáp

Thực trạng cho thấy rất nhiều sinh viên hướng tới Đại học hay Cao đẳng cốt không phải để chọn nghề phù hợp.

Như trường hợp trên đây: học cầu mong có được mảnh bằng, còn nghề nghiệp hay việc làm thì… tính sau! Cũng vì để “tính sau”, nên đã có đến con số 90% Sinh viên tốt nghiệp đang phải thất nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, trong đó có nguyên nhân chính là không phù hợp, dù có bằng cấp. “Ngay cả khi trúng tuyển hay đã tốt nghiệp ở một trường đại học nào đó, điều ấy không hoàn toàn đồng nghĩa với việc phù hợp ngành nghề mà trường đó đào tạo. Đây mới chỉ là chặng đầu của việc nghiệm thử, chưa phải là lúc nghiệm thu về sự phù hợp với nghề” (Lời khẳng định của nhà tuyển dụng đại diện cho công ty Unilever Việt Nam).

Nhưng chờ tới khi đi làm và dấn thân vào nghề mới nghiệm thấy mình không hợp với nghề… thì đã quá trễ!

Người trúng tuyển vẫn có thể là người vô tình đã chọn lầm nghề. Bởi vì, với ba môn thi tuyển vào một chuyên ngành nào đó, chỉ có thể cho thấy người đó “lọt được đầu vào” chứ chưa khẳng định được người đó sẽ “xuôi được đầu ra”.

Họ có thể học tập trầy trật trong những năm ở đại học, và việc tốt nghiệp được hay không vẫn còn là một thách đố lớn lao. Do vậy mới có tình trạng nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng vì không theo nổi hoặc thấy chán nghề. Thực tế đó giúp ta thấu hiểu một điều: Đầu xuôi, có thể đuôi không lọt, nếu còn vướng những trục trặc gì đó mà ta chưa kịp nhận ra để điều chỉnh.

Những trục trặc trong các tình huống không phù hợp với ngành nghề được quy tụ về 1 trong 6 (có khi cả 6) yếu tố gồm năng lực, tính cách, sở thích, sức khỏe, kinh tế, xã hội.

1. Năng Lực

Đây là yếu tố tương đối dễ thấy nhất, nhưng cũng dễ ngộ nhận nhất khi chọn ngành nghề phù hợp. Có người giỏi toán, cứ tưởng đi vào ngành nào tuyển theo khối A cũng phù hợp.

T.N.B - một sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin thừa nhận: “Nếu biết trước, tôi sẽ không theo ngành này, vì đây là một lĩnh vực Toán ứng dụng, trong khi tôi lại thích Toán cao cấp, Toán cơ bản, nặng về lý thuyết”.

Chẳng phải khoa học ứng dụng dễ hơn khoa học cơ bản, mà mỗi bên có những phức tạp riêng của nó, đòi hỏi một khả năng riêng của sự động não mà không phải ai giỏi toán cũng phù hợp. Bởi vậy mới có những chuyên gia riêng về Toán ứng dụng, khác với những chuyên gia về nghiên cứu Toán cao cấp.

Tương tự, có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học Kinh tế ra, nhưng lại không làm được (hoặc làm không tốt) trong ngành kinh tế, vì Toán kinh tế là một lĩnh vực Toán ứng dụng, thay vì Toán lý thuyết. Mặt khác, số này có thể vững về Toán-Lý-hóa (khi thi tuyển theo khối A) nhưng lại không vững về Văn-Sử-Địa, mà ngành kinh tế và tư duy kinh tế thì đòi hỏi nhiều kiến thức tổng quát (cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn…).

2. Tính Cách

Khi tuyển sinh, không có đề thi về tính cách. Nhưng việc học nghề và hành nghề thì tự nó lại đòi hỏi rất nhiều về tính cách. Những ai học thụ động hoặc thường đối phó các kỳ kiểm tra bằng những “phao cứu hộ”, ắt rằng sẽ “đứt gánh nửa chừng xuân”hoặc họa may tốt nghiệp cũng chỉ là loại “cử nhân điểm 5 vớt”!

L.K.P - một sinh viên năm tư Khoa Tài chính kế toán khi đi thực tập đã phải ngơ ngác, không hiểu nổi những kinh nghiệm thực tế trong nghiệp vụ kế toán tại một công ty liên doanh. Tìm hiểu mới biết sinh viên này ngoài lo việc “tụng niệm” để thuộc bài học lý thuyết, giờ còn lại là lao vào mạng Internet để “meo”, “chat”, chơi games hoặc thưởng thức “của ngon, vật lạ” trên màn hình, trong thế giới ảo, chứ không thiết đọc sách, không chịu học hỏi trong thế giới thật.

Do vậy, sự trưởng thành của những sinh viên như L.K.P nếu có chỉ là khập khiễng. Họ quên những giá trị “mặt đối mặt” trong đời sống hàng ngày, trong giao tiếp xã hội, giữa cá nhân với thực tế nghề nghiệp và thực tế cộng đồng.

Vào đời và ra nghề, có những tính cách của ta giúp ăn nên làm ra. Ngược lại, nếu có những tính cách khác, nếu không biết chế ngự, sẽ khiến ta tán gia bại sản.

3. Sở Thích

Có không ít người coi sở thích của mình là một sở trường. Họ cứ tưởng thích ngành nghề nào là đương nhiên có sở trường về ngành nghề đó. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học và đi làm đúng nghề đã được đào tạo, nhưng tới đó mới hiểu ra rằng “cái thích” của mình về nghề đó là một sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận ấy ít nhất bị rơi vào một trong hai tình huống sau:

  • Tình huống 1: Thực ra, cái sự thích của mình trước đây chỉ là “thích thế thôi”, “thích nhất thời” theo cảm tính, chứ không phải là một sở thích ổn định, lâu bền, có cơ sở lý trí và có chí thú nuôi dưỡng sở thích đồng hành với sự nghiệp.
  • Tình huống 2: Đó là sở thích khá ổn định, rất tâm nguyện, thích đến đam mê, đầy tâm huyết. Nhưng khốn nỗi…tiềm năng và nội lực lại không phù hợp để theo đuổi ý thích, không đủ sức vượt qua những chướng ngại của nghề để đích tới nhưng mong muốn (lực bất đồng tâm).

Bởi vậy, không phải cứ ai thích làm giàu là hợp với ngành kinh tế, thích bay nhảy là hợp với ngành du lịch… càng ngày, người ta càng ngộ ra rằng: sở thích, sở trường và năng khiếu là ba lĩnh vực không phải với ai và khi nào cũng đồng nhất. Có khi giữa chúng là “chọi” nhau trong một con người.

4. Sức Khỏe

Không ai phủ nhận sức khỏe thể chất đối với công việc và ngành nghề. Tuy vậy, để chọn ngành nghề, chẳng phải ai cũng nghĩ rằng, người thiếu sức khỏe cơ bắp vẫn có thể theo được ngành lao động trí óc, người kém khả năng vận động (do khuyết tật) có thể làm nghề tĩnh tại.

Đặc biệt, ít ai thừa nhận rằng, người mạnh mẽ về thể chất vẫn có thể là người không làm được nhiều công việc cần đến sự dẻo dai và bền chí trong một nghề. Bởi vậy khi chọn một ngành nghề để hướng tới, bạn đừng chỉ nghĩ đến sức khỏe thân xác.

Quan trọng hơn hãy nghĩ tới sức khỏe tinh thần và chí khí tâm lực. Thiếu hai điều kiện này của sức khỏe thì dù có “đô con” cũng bằng thừa. Nghề nào cũng có cái “nghiệp”. Sức khỏe tốt là sức khỏe giúp ta vượt qua cái nghiệp của nghề. Trong số những sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí ra trường không theo được nghề phóng viên, có nhiều người không đủ sức khỏe tinh thần để kham nổi sự căng thẳng của nghề, dù thể chất tốt.

5. Kinh Tế

Phù hợp với túi tiền là yếu tố thực tế nhất, liên quan tới hoàn cảnh kinh tế của gia đình và khả năng kiếm ra tiền của bạn. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ ngoài như các chính sách vay vốn ưu đãi, học bổng,...

6. Xã Hội

Đây là một yếu tố khách quan, nhưng rất hệ trọng. Khi “một con cá lội, trăm người thả câu” thì xác suất câu được chỉ 1% và khả năng thất nghiệp lên tới 99%. Bởi vậy, để phù hợp với nhu cầu thị trường, bạn không nên lao vào những nghề đã có đông người chen chân. Cũng không nên tập trung quá nhiều vào mục tiêu thi đại học, trong lúc xã hội đang “thừa thầy thiếu thợ”.

Không nhất thiết phải chọn đúng nghề thời thượng mới hội nhập nghề nghiệp và “ăn nên làm ra”. Có một nghề không mang tính thời thượng nhưng lại có tính xã hội rất cao, đó là nghề công tác xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu công tác xã hội càng bức bách và người làm công tác xã hội sẽ ngày càng đông trong cộng đồng dân cư.

Sáu yếu tố trên đây là sáu điểm tựa, giúp bạn trẻ căn cứ vào đó để nghiệm lại mình đang phù hợp hay chưa với ngành nghề muốn hướng tới. Đừng nóng vội, đừng chủ quan để không đốt cháy giai đoạn mà cũng tránh sự áp đặt vô lối khi tự chọn nghề cho tương lai của bạn.