Toxic positivity Khi tích cực không phải lúc nào cũng là tốt

Toxic positivity: Khi tích cực không phải lúc nào cũng là tốt

Tích cực độc hại là gì?

Sự tích cực độc hại là khi ta giữ cho mình một cái nhìn tích cực đến mức chối bỏ cảm xúc của mình và của người khác. Nhà trị liệu tâm lý Babita Spinelli, LP, JD, đã chia sẻ với trang mindbodygreen rằng: “Tích cực độc hại là niềm tin rằng bất kể hoàn cảnh đau khổ hay khó khăn ra sao, người ta vẫn nên duy trì sự tích cực và thay đổi góc nhìn của họ để trở nên hạnh phúc hoặc biết ơn.”

Trong năm qua, hiện tượng tích cực độc hại ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Một vài người đối phó với đại dịch bằng cách ép bản thân suy nghĩ tích cực, trong khi, những người khác lại có thể nhanh chóng nhận ra bản chất kém hiệu quả và ranh giới mong manh của sự tích cực độc hại với gaslighting (một hình thức thao túng tâm lý).

Theo nhà trị liệu được cấp phép Jody Kemmerer, LCSW, sự tích cực độc hại bắt nguồn từ ước muốn rằng bản thân ta có thể cảm giác khác đi. Chúng ta không thoải mái với những cảm xúc khắc nghiệt đó, “Vì vậy ta khuyên bản thân nên cảm thấy khác đi.” Nhưng nếu lúc nào ta cũng làm điều này để lảng tránh hoặc chối bỏ những trải nghiệm thực sự của mình, cô nói, “Ta có nguy cơ sẽ loại bỏ cảm xúc thật của mình.”

5 Dấu hiệu nhận biết sự tích cực độc hại

Dưới đây là một số dấu hiệu mà bạn cần quan tâm:

1. Cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc của mình. 

Nếu bạn đang đối mặt với sự tích cực độc hại, bạn có thể sẽ thấy tội lỗi mỗi khi cảm xúc “tiêu cực” xuất hiện, hoặc như Kemmer đã miêu tả, bạn sẽ phán xét bản thân vì những gì bạn đã trải qua.

2. Giả vờ biết ơn

Một dấu hiệu của tích cực độc hại là tập trung vào lòng biết ơn như một cách để phớt lờ cảm xúc của bạn. Điều đó không có nghĩa là sự biết ơn là một điều xấu, nhưng nó xấu khi bạn dùng nó bác bỏ tình trạng của mình. Như Spinelli lưu ý, chúng ta cũng có thể làm điều này với những người khác. Ví dụ khi một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình ra lệnh rằng bạn nên biết ơn và nhận thấy những sự may mắn mà bạn có trong đại dịch khi bạn cảm thấy sợ hãi, đó là sự tích cực độc hại.

3. So sánh

Chỉ vì một ai đó trông có vẻ như đang giải quyết khoảng thời gian khó khăn “tốt hơn” bạn, thì đó cũng không phải là lý do để bạn bắt đầu so sánh. Theo như Spinelli giải thích, trong thế giới ảo của mạng xã hội, rất dễ để bạn cảm thấy mọi người tích cực hơn bạn và bạn cũng nên tích cực hơn. Nhưng vẻ ngoài đang đánh lừa bạn, và mọi người đều xử lý mọi việc theo cách riêng của họ. Hãy tránh so sánh bản thân với người khác, và ngược lại, người khác với bạn.

4. Loại bỏ những cảm xúc khó chịu 

Khi những cảm xúc khó chịu trỗi dậy, bạn có thể cảm thấy tội lỗi về chúng, như đã đề cập bên trên, hoặc hoàn toàn đè nén những cảm xúc đó xuống, thuyết phục bản thân phải luôn lạc quan. Mọi người cũng có thể làm điều này với bạn khi họ nói những thứ như “Hãy chỉ nhìn vào mặt tươi sáng,” hoặc “Ít nhất là...” để tránh tạo không gian để bạn kịp suy nghĩ.

5. Tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do

Ngay cả khi bạn thực sự tin vào việc mọi thứ xảy ra đều có lý do, thì việc cảm nhận và xử lý cảm xúc của bạn trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn việc lý trí hóa (rationalize) chúng hoặc quá tình thần hóa (over-spiritualize). Điều này không khác gì gashlighting, nó chỉ là một cách để tránh những nỗi đau mà bạn (hoặc ai đó) đang cảm thấy.

Tại sao nó là một điều xấu?

Cho dù là do bản thân gây ra hay từ bạn bè và gia đình, sự tích cực độc hại có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của một người theo nhiều cách. Trước hết, Spinelli giải thích rằng, nó phủ nhận trải nghiệm chủ quan của một người, đó là lý do nó tương tự với việc gashlighting.

Bạn có thể cảm thấy buồn, tức giận, tổn thương, thất vọng hoặc bất kỳ cảm xúc khó chịu nào khác. Spinelli nhấn mạnh rằng điều quan trọng là hãy khoan dung với bản thân bằng lòng trắc ẩn. Cô ấy nói: “Tích cực độc hại không cho phép sự tự trắc ẩn hoặc đồng cảm”, và bổ sung thêm “nó cản trở việc xử lý các chấn thương hoặc cảm xúc một cách thích hợp và hiệu quả.”

Và theo Spinelli, nó không chỉ không cho phép chúng ta xử lý cảm xúc của chính mình, nó thậm chí còn khiến chúng ta tự phán xét bản thân, nâng cao mức độ phê bình nội tâm và ảnh hưởng đến lòng tự trọng.

Làm cách nào để đối phó với tích cực độc hại?

Nếu bạn phát hiện bản thân đang tích cực độc hại, Spinelli nói rằng điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là đơn giản chấp nhận cảm xúc của bạn mà không phán xét chúng. “Bạn có quyền cảm nhận cảm xúc của mình”, cô ấy nhấn mạnh. Và hơn hết, cô nói thêm, “Hãy cẩn thận với các thông điệp trên mạng xã hội, nó có thể khơi gợi sự so sánh và định hướng cảm xúc của bạn.”

Chú ý khi sự tích cực độc hại đang len lỏi, bạn cần quan tâm bản thân, cho dù bạn đang thể hiện sự độc hại với chính bạn hoặc người khác. Khi bạn thấy mình đang né tránh hoặc làm chệch hướng cảm xúc, hãy cố gắng thể hiện những cảm xúc đó ra.

Và nếu bạn đang đối phó với một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình ép bạn tích cực độc hại khi bạn đang cảm thấy tệ, điều quan trọng là bạn phải kiên định với bản thân. Chỉ có bạn mới biết bạn cảm giác như thế nào, và lời khuyên “cứ ngẩng cao đầu” không phải lúc nào cũng hiệu quả hoặc hữu ích. Giải thích rằng bạn muốn cảm nhận những cảm xúc khó khăn trước khi nhìn vào khía cạnh tươi sáng, hoặc muốn ổn định hơn với việc xử lý và cảm nhận chúng.

Cách phòng tránh tâm lý này trong tương lai

Một lần nữa, như Spinelli giải thích, việc chấp nhận cảm xúc của bạn (và cảm xúc của người khác) mà không phán xét là cách để vượt qua sự tích cực độc hại. Và mặc dù ban đầu nó có thể không dễ dàng nhưng theo thời gian, đối với những cảm xúc khó vược qua đó, bạn sẽ cảm thấy chúng dần bớt khó khăn hơn.

"Trong công việc của tôi với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý, tôi nhận thấy rằng lòng biết ơn thực sự đến sau  những cảm xúc đau đớn của chúng ta, chứ không phải sau khi sẵn sàng với một điều gì đó tích cực", Kimmerer lưu ý.

Khi nói chuyện với người khác, nhà trị liệu và là tác giả của cuốn sách “How to be alone” - Megan Bruneau, MA, trước đây đã nói với mbg rằng hãy tránh nói những điều như "Hãy tích cực lên!" hoặc "Bạn có rất nhiều điều để biết ơn!" "Điều này thường khiến họ cảm thấy xấu hổ và bị hiểu lầm", cô nói thêm.

Tóm lại

Đến cuối ngày, điều quan trọng nhất là sự cân bằng. Cân bằng giữa sự lạc quan và những cảm xúc chân thật của bản thân. Hãy cứ biết ơn và đau khổ, tìm kiếm sự tích cực nhưng không cần gấp rút chữa lành bản thân khi đang bị tổn thương. Giữ thái độ tích cực trong những lúc gặp khó khăn giúp bạn kiên cường, nhưng sự thật là, việc chấp nhận, đối diện những cảm xúc khó khăn cũng là một phần quan trọng của quá trình "tự chữa lành".

Nguồn: Tomo - Learn Something New | Nguyễn Ngọc Như Minh dịch