Thành thạo ngoại ngữ không còn là mục tiêu xa vời (Phần 2)

Thành thạo ngoại ngữ không còn là mục tiêu xa vời (Phần 2)

Hành trình học ngoại ngữ dù thú vị nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Ở phần trước, tác giả đã chia sẻ với chúng ta 10 mẹo học ngoại ngữ "xương máu" nơi xứ người, ở phần này, hãy cùng đi tìm hiểu 10 mẹo còn lại nhé!

11. “Anh/chị nói X như thế nào?

Đây là câu quan trọng nhất bạn có thể học. Hãy học ngay và dùng thường xuyên.

12. Gia sư riêng là cách sử dụng thời gian tốt nhất và hiệu quả nhất 

Đây cũng thường là cách sử dụng thời gian tốn kém nhất, tùy bạn sống ở đâu và ngôn ngữ đó là gì. Nhưng nếu có điều kiện, thuê một gia sư chất lượng và dành thời gian với họ vài tiếng mỗi ngày là cách nhanh nhất để học một ngôn ngữ mới mà tôi từng biết. Hồi ở Brazil, học cùng gia sư chỉ 2 tiếng mỗi ngày trong vài tuần giúp tôi có khả năng giao tiếp khá đáng nể - nói cách khác, tôi có thể đi chơi với một cô gái mà không cần nói chút tiếng Anh nào và giữ mạch trò chuyện suốt buổi tối mà không làm bản thân phải xấu hổ.

Nhân tiện nói đến việc này…

13. Hẹn hò người nói ngôn ngữ bạn muốn học và không nói tiếng bản xứ của bạn 

Không gì tạo quyết tâm và động lực tốt hơn. Bạn sẽ nói trôi chảy trong vòng một tháng. Và tuyệt nhất là nếu có làm họ giận hoặc làm gì sai, bạn có thể nói là do bạn hiểu không rõ nghĩa.

14. Nếu không quen được người nào như vậy, hãy tìm một người bạn trao đổi ngôn ngữ qua mạng 

Nhiều trang mạng trên đó có những người nước ngoài muốn học tiếng Anh và sẵn lòng trao đổi ngôn ngữ cùng bạn.

15. Khi học một từ mới, cố gắng áp dụng ngay một vài lần

Khi bạn dừng và tra từ mới giữa cuộc trò chuyện, cố gắng dùng từ này trong 2 hoặc 3 câu tiếp theo. Các nghiên cứu về học ngôn ngữ cho thấy bạn cần lặp lại vài lần một từ trong một phút, một giờ, một ngày… khi học từ đó. Cố gắng sử dụng từ này ngay một vài lần và tiếp tục nhắc đến nó trong ngày hôm đó. Từ đó bạn có thể sẽ ghi nhớ được nó.

16. Chương trình truyền hình, phim ảnh, báo chí và tạp chí là nguồn tài liệu bổ sung tốt 

Nhưng bạn không nên nhầm lẫn hoặc dùng những tư liệu này thay cho việc thật sự rèn luyện ngôn ngữ. Khi tiếng Tây Ban Nha của tôi tiến bộ hơn, tôi cố gắng xem vài bộ phim mỗi tuần và đọc một bài báo El País mỗi ngày. Hoạt động này giúp tôi giữ được sự hứng thú, nhưng tôi không tin nó hữu ích bằng thời gian tôi dành cho giao tiếp.

17. Hầu hết mọi người đều giúp ích cho bạn, hãy để họ giúp 

Nếu bạn ở nước ngoài và đang cố gắng mua gì đó ở cửa hàng tạp hóa, hãy nhờ bất cứ ai giúp đỡ. Chỉ vào một món gì đó và hỏi họ cách gọi tên nó. Đặt cho họ các câu hỏi. Hầu hết mọi người đều thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Việc học ngôn ngữ không dành cho những người hay ngại ngùng.

18. Sẽ có nhiều sự mơ hồ và hiểu nhầm 

Sự thật là nhiều từ có nghĩa không hoàn toàn được dịch chính xác. “Gustar” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa đại khái là “thích”, nhưng trong thực tế sử dụng, nó mang những sắc thái nhất định. Nó được dùng trong những hoàn cảnh và ngữ cảnh nhất định, trong khi trong tiếng Anh, chúng ta dùng từ “like” làm động từ chung cho bất cứ thứ gì ta yêu thích và quan tâm. Những sự khác biệt tinh tế này có thể tích tụ lại, nhất là trong những cuộc trò chuyện nghiêm túc hoặc nhiều cảm xúc. Những cuộc trò chuyện về những vấn đề quan trọng bị chi phối bởi những khác biệt này sẽ đòi hỏi gấp đôi nỗ lực để xác định chính xác ý của từng người so với khi 2 người bản xứ trao đổi với nhau. Cho dù nắm vững ngôn ngữ mới đến đâu, bạn sẽ không hoàn toàn hiểu được những khác biệt tinh tế giữa từng từ, cụm từ hoặc thành ngữ như một người bản xứ đã sống tại đất nước đó nhiều năm.

19. Đây là những giai đoạn mà bạn sẽ trải qua 

Đầu tiên, bạn có thể nói một chút và không hiểu gì cả.

Sau đó, bạn có thể hiểu nhiều hơn những gì bạn có thể nói.

Sau đó, bạn bắt đầu trò chuyện được, nhưng cần nỗ lực nhiều.

Tiếp đó, bạn có thể nói và hiểu mà không cần cố gắng quá nhiều (nói cách khác, bạn không phải dịch từ ngữ ra tiếng mẹ đẻ trong đầu nữa).

Một khi có thể nói và nghe mà không phải suy nghĩ, bạn sẽ bắt đầu nghĩ theo ngôn ngữ này một cách tự nhiên. Khi làm được điều này, bạn đã đạt đến cấp độ cao.

Và cấp độ cuối cùng là gì? Bạn tin hay không thì tùy nhưng việc có khả năng theo kịp cuộc hội thoại giữa một nhóm người bản địa là cấp độ cuối cùng. Hoặc ít ra đối với tôi là vậy. Khi theo kịp, và có thể tham gia, bắt đầu và kết thúc cuộc trò chuyện theo ý mình thì bạn đã sẵn sàng. Sau đó, bạn thật sự chỉ còn cần sống ở đất nước đó ít nhất một hoặc hai năm và trở nên hoàn toàn thông thạo ngôn ngữ này.

20. Cuối cùng, tìm cách khiến việc học trở nên thú vị  

Cũng như mọi thứ khác, nếu định gắn bó với một hoạt động, bạn phải tìm cách khiến hoạt động này thú vị. Tìm những người mà bạn thích nói chuyện cùng. Đến những sự kiện mà bạn có thể tập giao tiếp trong khi làm gì đó thú vị. Nói về những vấn đề cá nhân mà bạn quan tâm. Tìm hiểu về người mà bạn đang trò chuyện cùng. Biến việc học thành một trải nghiệm sống của riêng bạn, bằng không bạn sẽ trải qua một quá trình dài và chán ngấy mà có thể sẽ kết thúc bằng việc bạn quên sạch mọi thứ đã học.

Nguồn: Mark Manson | Dịch: UBrand.cool–Mạng Xã hội Tri Thức và Xây dựng Thương hiệu Cá nhân