Một số thủ thuật để tạo sự tự tin khi thuyết trình

Một số thủ thuật để tạo sự tự tin khi thuyết trình

Chuẩn bị bài thuyết trình thật chu đáo

Không bao giờ cho phép mình chủ quan và cho rằng không cần thiết phải chuẩn bị kĩ vì mình đã có kinh nghiệm hay bản lĩnh. Chuẩn bị không kĩ, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bối rối, thiếu tự tin, nhất là khi đứng trước số lượng lớn khán giả.

Hít thở sâu

Khi cảm thấy mất tự tin, bạn sẽ tập trung vào hơi thở của mình, hít thật sâu rồi đếm từ một đến bốn, sau đó thở ra và đếm đến tám (có thể đếm số lớn hơn). Lặp lại như vậy bốn lần. Cần lưu ý là hơi thở ra dài gấp đôi hơi hít vào. Điều quan trọng khi thực hiện phương pháp này đó là, bạn phải tập trung hoàn toàn vào hơi thở của mình để có thể cảm nhận rõ ràng luồng hơi di chuyển trong cơ thể.

Tự ám thị

Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp bạn lấy lại sự tự tin của mình. Trước khi thuyết trình, bạn hãy tự nói với mình những câu nói tích cực như: “Tôi tự tin. Tôi làm được.” và lặp lại nhiều lần. Bạn có thể nói thầm hoặc nói thành tiếng đủ cho mình nghe thấy đến khi nào bạn lấy lại sự tự tin của mình. Hành động tự ám thị được thực hiện càng sớm sẽ càng có hiệu quả hơn. Ví dụ, ngày mai bạn sẽ thuyết trình về một chủ đề nào đó thì ngay từ hôm nay, buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng mai khi thức dậy, bạn hãy tự ám thị bản thân mình.

Hướng đến “vùng an toàn”

Thủ thuật này được áp dụng trong quá trình bạn thuyết trình. Khi đứng trước khán giả, nhất là những khán giả hoàn toàn xa lạ, có thể bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin. Tuy nhiên, trong số những khán giả đang ngồi ở phía dưới, chắc chắn sẽ có một số khán giả có ấn tượng ban đầu tốt đẹp với bạn. Những người này sẽ dành cho bạn những thiện cảm và cái nhìn thân thiện. Điều quan trọng là làm thế nào để bạn nhận diện ra họ. Hãy đưa mắt nhìn quanh khán giả, bạn sẽ nhận ra được ai là những người có thiện cảm với bạn. Lúc này, hãy tập trung ánh mắt về phía đó, bạn sẽ nhận được sự đồng cảm và thân thiện. Điều này sẽ có tác dụng trấn an bạn, làm cho bạn tự tin hơn.

Tác giả: Phát triển kĩ năng mềm cho sinh viên Đại học Sư phạm