Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Nguyên nhân nào khiến một người trở thành "kẻ bắt nạt"?

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Nguyên nhân nào khiến một người trở thành "kẻ bắt nạt"?

Nhìn chung, các cuộc bạo lực mạng đều xảy ra bởi những người không rõ danh tính, họ không lo sợ bản thân bị bại lộ nên vô cùng cảm thấy an toàn khi công kích, hạ nhục người khác qua bàn phím máy tính, màn hình điện thoại. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà một người lại dành hàng giờ để đi công kích, chống phá người khác. Dưới đây là một số nguyên nhân khách quan được cho rằng có thể khiến một người thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến:

1. Trả thù gián tiếp

Một số người do các sức ép đến từ cuộc sống đời thường, họ liên tục phải đối diện với những căng thẳng, mệt mỏi, vất vả hoặc bản thân đã từng là nạn nhân của tình trạng bắt nạt làm ảnh hưởng đến tâm lý thì sẽ có nhiều xu hướng muốn trút giận lên người khác. Họ có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để trả đòn đối với những người đã từng bắt nạt hoặc gián tiếp bắt nạt họ. Cũng bởi họ cho rằng cuộc sống của họ đã chịu quá nhiều điều tiêu cực, họ đã quá khổ sở về cả tinh thần lẫn thể xác nên họ muốn người khác cũng phải trải qua những điều giống mình.

2. Không sợ bị phát hiện

Thông thường, những người thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến sẽ cố tình che giấu danh tính, họ tạo lập nhiều tài khoản ảo để hạn chế nguy cơ bị phát hiện. Đồng thời, các hành vi bạo hành qua mạng rất khó để xác định danh tính thủ phạm bởi các đối tượng xấu không bao giờ sử dụng thông tin chính xác của bản thân.

Do đó, thủ phạm sẽ luôn cảm thấy an toàn bởi bản thân khó có thể bị bại lộ, họ có thể thoải mái thực hiện làm những điều mà bản thân mong muốn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Hơn thế, nhiều người còn cảm thấy vô cùng thoải mái khi thấy nạn nhân hoang mang, lo sợ và mãi kiếm tìm hung thủ. Điều này đôi lúc còn khiến họ gia tăng sự hưng phấn, liên tục tăng mức độ nghiêm trọng để thực hiện hành vi hạ nhục danh dự, nhân phẩm của người khác.

3. Khao khát quyền lực

Những đối tượng bắt nạt người khác qua mạng xã hội luôn có suy nghĩ rằng bản thân luôn đúng, họ tự cho mình cái quyền được phán xét, chỉ trích, lăng mạ người khác. Họ cho rằng mình có quyền lực để đánh giá đúng sai hoặc họ cho rằng bản thân của nạn nhân đáng phải gánh chịu những sự tổn thương đó.

Ngoài ra, một số trường hợp khác, người bắt nạt trực tuyến còn mang tâm lý rằng, nếu bản thân không làm thì cũng sẽ có người khác làm như vậy và họ tự cho mình cái quyền ngang nhiên xúc phạm, mắng chửi người khác. Những đối tượng này sẽ cảm thấy vô cùng thỏa mãn và vui sướng khi nắm được điểm yếu của người khác, họ sung sướng khi nhìn thấy người khác giận dữ, đau khổ, tổn thương.

4. Khao khát thể hiện bản thân

Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, phần đông những thủ phạm bắt nạt trực tuyến đều thuộc độ tuổi vị thành niên, những người trẻ tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ luôn có mong muốn được trở thành người trưởng thành, khao khát khẳng định bản thân qua các hành vi bạo hành, ức hiếp người khác. Đặc biệt hơn, khi những hành vi bắt nạt của mình được tung hô, ca ngợi họ sẽ càng trở nên tự mãn hơn. Đồng thời, khi những nạn nhân của Cyberbullying cảm thấy lo sợ, hoang mang thì họ sẽ càng cảm thấy hứng thú, vui sướng.

5. Tiêu khiển trên mạng

Nhiều người thực hiện hành vi khiêu khích người khác nhưng không thể ý thức được những điều sai trái mà mình đang làm sẽ gây tổn thương đến người khác. Họ cho rằng đây chỉ là một trò đùa, một trò chơi vô hại để tìm kiếm những niềm vui trong cuộc sống của mình. Có thể do cuộc sống của họ quá tẻ nhạt, vô vị và không nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh nên họ có xu hướng mắng chửi người khác và xem đó là một “thành công” của riêng mình.

6. Thù ghét, ganh tỵ

Các hành vi bắt nạt trực tuyến đôi lúc xuất phát từ cảm giác ganh ghét, đố kỵ với những điều mà người khác có được. Họ thường nhắm vào các đối tượng có sắc đẹp, tiền bạc, địa vị cao nhằm hạ nhục, đạp đổ họ. Thông thường là đe dọa tung các đoạn tin nhắn, ảnh nóng hoặc uy hiếp tống tiền.

Nguồn: Psygital