Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Học sinh suy sụp vì bị bắt nạt trên mạng!

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Học sinh suy sụp vì bị bắt nạt trên mạng!

"Việc nói xấu ấy đối với em thật sự làm em rất chán nản và không muốn đi học ở trường, điều đó vẫn xảy ra với em cho đến tận bây giờ". Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện được tâm sự bởi các nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên Fanpage có tên "Bắt nạt trực tuyến - chuyện không của riêng ai" được nhiều người quan tâm.

Con số "cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng, đáng lo ngại 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu" được công bố hôm 23.5 vừa qua bởi bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN ở hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội" càng khiến chúng ta đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này. Đặc biệt đang trong dịp nghỉ hè, thời gian trẻ em được nghỉ xả hơi, thời gian sử dụng internet nhiều hơn.

Bị bắt nạt vì "thấy mặt nó câng câng"

"Tôi có một cô bạn chơi thân từ hồi tiểu học. Vào năm chúng tôi học lớp 10, cô ấy đã bị bắt nạt, ở trên trường và cả trên mạng. Mặc dù tôi chơi chung với cô ấy nhưng nhóm bạn bắt nạt ấy không có làm gì tôi, vì từ lúc bạn tôi chưa bị bắt nạt tôi có chơi với nhóm đó. Tôi có hỏi vì sao họ lại bắt nạt cô ấy, họ bảo: "tao thấy mặt nó cứ câng câng nên tao ghét". Ở trên trường thì họ lườm nguýt, đụng chạm trước kiếm cớ gây chuyện. Có lần họ chụp ảnh cô ấy và đăng lên mạng xã hội, những người trong nhóm đó và cả những người ngoài cuộc không liên quan đều vào cười cợt. Thật sự tôi rất bức xúc nhưng tôi lại không thể làm gì vì nhóm đó chơi với dân anh chị", đó là tâm sự của một nữ sinh trên một trang tâm sự của những nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến.

Một phụ huynh khác thì giãi bày câu chuyện của con gái mình, năm đó cháu học lớp 9. Luôn là học sinh xuất sắc trong lớp và có ngoại hình xinh xắn, tính cách hồn nhiên, hòa đồng với mọi người, nhưng cháu bị bắt nạt. Một ngày đi học về, chị phát hiện con có những vết xước ở tay, sau đó thu mình lại trong phòng, mặt luôn buồn bã, đáng lo hơn khi cháu nói với mẹ "con không muốn đến trường nữa". Tâm sự với con, chị mới biết trên lớp cháu bị các bạn nữ có hành vi trêu đùa quá mức, đụng chạm đến thân thể, có lần còn chặn đánh, quay lại cảnh bắt nạt, cắt tóc cháu đăng lên mạng xã hội…

Mặt trái của ẩn danh

Từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, N.U.P, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể rằng hồi năm nhất, có lần cô và các thành viên chung nhóm cùng xây dựng "kịch bản" nói xấu nhau trên Facebook để thu hút bạn bè vào xem sản phẩm môn học. Dù chỉ đăng thông tin trên trang cá nhân nhưng chỉ vài ngày sau đó, hành động của cả nhóm đã bị công kích ẩn danh bằng những từ ngữ gay gắt, miệt thị trên trang thú tội (confession) có hơn 140.000 lượt theo dõi của trường.

"Mới đây nhất, chúng tôi cũng bị đem lên "xử trảm" công khai trên confession với lý do tương tự. Cả hai lần đều thu hút đông đảo cư dân mạng dù quen hay lạ đến ủng hộ hoặc bênh vực. Thú thật điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của tôi, vừa buồn vừa hoài nghi điều mình làm có thật sự sai trái thế không. Cảm giác như từ một hành động đùa giỡn với người nhà trở thành tâm điểm của cả thế giới mạng", P. ví von.

Theo nữ sinh viên, trong trường hợp của cô, hành động bắt nạt trực tuyến chỉ xuất phát từ ác ý cá nhân và nhờ confession mà có cơ hội "bùng lửa". "Tính năng ẩn danh trên mạng xã hội dường như cho phép bất kỳ ai cũng có thể bạo lực mạng người khác nhân danh chính nghĩa",

P. nhìn nhận. "Đến bây giờ, tôi vẫn không biết người gửi bài chỉ trích là ai và liệu họ có thân thiết với tôi không", cô bộc bạch.

H.Đ (ngụ Q.7, TP.HCM) thì cho hay vì bất đồng quan điểm với một số bạn cùng lớp hồi lớp 10, cô đã bị thêm vào nhóm chat có mặt những người liên quan để nghe chửi rủa tập thể. Trừ khi con cái chủ động chia sẻ, Đ. nói rất khó để nhà trường và gia đình biết con mình đang bị bắt nạt trực tuyến vì không hề có dấu hiệu vật lý và thủ phạm rất dễ xóa đi bằng chứng, chỉ với vài thao tác trên màn hình.

"Bắt nạt trực tuyến đang là hiện tượng phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Một bức ảnh trên trang cá nhân Facecbook, một dòng trạng thái đặt tính năng bạn thân trên Instagram hay một dòng nhắn tin với nhau trong Messenger, chỉ cần không phù hợp với quan điểm người nhận thì đều có thể bị "bóc phốt" trên các kênh truyền thông xã hội. Và hậu quả sau đó không chỉ diễn ra trên không gian ảo mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thực", Đ. nêu quan điểm.

Hoảng loạn vì bị nhắn tin, gửi ảnh đồi trụy

Chị Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng ban tổ chức dự án giáo dục giới tính cho trẻ em S-Project tại các tỉnh thành ở VN, còn nhớ câu chuyện mấy năm trước khi chị đến nói chuyện với các em học sinh trường liên cấp tại Hà Nội về vấn đề xâm hại tình dục.

Cuối buổi, một cô bé lớp 6 đến gặp chị Song Trà và tâm sự câu chuyện khiến bé rất sợ hãi. Vì tò mò và mong có nhiều người bạn mới, bé gái đó đã dùng Facebook. Chưa có nhiều kiến thức sử dụng mạng xã hội, bé gái không đề phòng với những lời mời kết bạn từ người lạ và đã kết bạn, thường xuyên nhắn tin Facebook với một người đàn ông lớn tuổi. Khi đã thân thiết hơn, người đàn ông liên tục gửi cho cô bé những hình ảnh khiêu dâm và ngày nào cũng hỏi thăm "con đi học về chưa", "hôm nay có bạn nào sờ vào người con không"…

 

Sau đó, ông này còn gửi hình ảnh tự chụp các phần cơ thể nhạy cảm của mình cho nữ sinh kia và đề nghị cô bé tự chụp ảnh, gửi cho ông. Hoang mang, lo sợ và thấy không bình thường, cô bé hủy hết kết bạn, xóa hết tin nhắn và không dám dùng Facebook.

Theo người sáng lập và trưởng ban tổ chức dự án giáo dục giới tính cho trẻ em S-Project, không chỉ các bạn gái là nạn nhân của xâm hại tình dục qua lời nói, tin nhắn, hình ảnh trực tuyến mà rất nhiều học sinh, thanh thiếu niên nam giới cũng là nạn nhân.

Nguồn: Thanhnien.vn