Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Động cơ nào dẫn đến hành vi bắt nạt ở học sinh?

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) - Động cơ nào dẫn đến hành vi bắt nạt ở học sinh?

Sự ra đời của internet và các nền tảng mạng xã hội chính là bước đột phá vĩ đại trong thế kỷ 20 – 21.Các nền tảng mạng xã hội chính là nơi để mọi người gắn kết với nhau và dễ dàng liên lạc mà không bị giới hạn bởi lãnh thổ hay vị trí địa lý. Ngoài ra, mạng xã hội còn giúp tiếp cận nhanh chóng với các tin tức mới, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kết bạn,… Bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phát triển vượt bậc của các nền tảng số cũng đi kèm với không ít vấn đề. Trong đó, Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) là tình trạng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt thường xuất hiện trong môi trường học đường!

Ở loạt bài trước, chúng ta đã có những hiểu biết tổng quan về bắt nạt trực tuyến và những dạng bắt nạt trực tuyến phổ biến, hôm nay, hãy cùng Psygital tìm hiểu về động cơ của hành vi bắt nạt trực tuyến ở học sinh nhé! Bàn luận về khía cạnh này, trong Đề tài KH&CN cấp Bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo:“Xây dựng và đánh giá kết quả Chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh Việt Nam” của Thạc sĩ Tâm lý Mai Mỹ Hạnh có góc nhìn như sau:

Về lý do quyết định thực hiện

Một số lý do được cho là yếu tố khiến một người quyết định thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến có thể kể đến như:

  • Bắt chước trào lưu Emo (trào lưu cảm xúc, tôn thờ cảm xúc).
  • Bắt chước bạn bè, a dua 
  • Bị bạn bè công kích, ép buộc.
  • Muốn sử dụng Internet đăng bài viết, hình ảnh, thông tin của người đó để thu hút sự chú ý quan tâm từ người khác (thầy cô, gia đình, bạn bè…).
  • Cảm thấy vui vẻ, thích thú khi cùng bạn bè bàn tán về ai đó trên mạng xã hội.
  • Cảm thấy thích thú khi đăng bài viết, hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội và được bạn hưởng ứng.
  • Buộc phải thực hiện để lên án, cảnh cáo những người mà tôi không thích.
  • Đã từng bị đem ra làm thú tiêu khiển, vui đùa của bạn bè và bây giờ tôi muốn bạn học được hiểu cảm giác của tôi.
  • Từng gặp xích mích, mâu thuẫn với bạn học.
  • Muốn giải tỏa nỗi cô đơn, sự “cô lập” và sự thiếu quan tâm của bạn bè.
  • Tăng cường sự tự tin, lòng can đảm.
  • Không thích tính cách của bạn học (điệu đà, dễ bắt nạt, trầm tính, nói nhiều….).
  • Ganh tỵ và không muốn người khác nổi bật hơn mình (bạn giỏi, bạn xinh, tài năng hơn mình…)
  • Xem thường vì nghĩ rằng bạn mình quá tệ (học kém,…)

Về phương tiện thực hiện

Một số nghiên cứu khác khai thác bắt nạt trực tuyến dưới khía cạnh các công cụ, phương tiện (Smith và cộng sự, 2008) phân loại dựa trên 7 loại phương tiện: cuộc gọi trên điện thoại di động, tin nhắn văn bản, hình ảnh video clip, email, chat nhóm, tin nhắn tức thời và trang web. 

Nocentini và cộng sự (2010) phân loại hình thức bắt nạt trực tuyến bằng lời bao gồm các dạng hành vi hoặc giao tiếp bằng văn bản hoặc bằng lời nói diễn ra thông qua phương tiện điện tử như gọi điện thoại, tin nhắn văn bản, email, nhắn tin tức thời, blog, trang mạng xã hội…

Từ việc tổng hợp cách tài liệu và cách phân loại từ các nghiên cứu trước, nghiên cứu xác định các phương tiện của hành vi bắt nạt trực tuyến cho đề tài này như sau: Tin nhắn điện thoại SMS, Gmail, Facebook/Messenger, Zalo, Instagram, Tik tok và một số trang wed khác. 

Về đối tượng bị bắt nạt trực tuyến

Thủ phạm bắt nạt trực tuyến có thể nhằm mục tiêu một nạn nhân duy nhất, hoặc có thể chọn cả lớp bằng cách can thiệp vào quá trình học tập. Trong giờ học, học sinh có thiết bị truy cập được mạng internet có thể gửi tin nhắn tức thời trên mạng hoặc e-mail để đánh lạc hướng các học sinh khác. Họ có thể tham gia vào một phòng trò chuyện và phối hợp các hoạt động - chẳng hạn như hướng dẫn người tham gia tạo ra tiếng ồn nhất định tại một thời điểm nhất định. Họ có thể gửi tin nhắn chê bai giáo viên hoặc bạn cùng lớp, do đó làm tổn hại đến danh tiếng của nạn nhân. Trong một lớp học, họ có thể đăng các nhận xét làm giảm sự tham gia của các học sinh khác. Các ví dụ được mô tả ở trên chỉ là một số chiến thuật mà các thủ phạm bắt nạt trực tuyến hiện nay sử dụng. Thật không may, khi công nghệ phát triển, những kẻ lừa đảo trên mạng chắc chắn sẽ phát minh ra những cách mới và thậm chí còn cực đoạn hơn - để kiểm soát và đe dọa nạn nhân của chúng (Dickerson, 2005).

Như vậy, đối tượng bị bắt nạt trực tuyến không chỉ là học sinh, bạn bè cùng lớp, bạn bè cùng trường, bạn bè trên mạng, bạn bè không quen biết, mà còn có thể là giáo viên hoặc bất cứ ai tham gia vào môi trường trực tuyến.

Nguồn: Xây dựng và đánh giá kết quả Chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh Việt Nam - Đề tài KH&CN cấp Bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo